LƯU DẤU THANH XUÂN

Sinh viên: Nguyễn Phúc Thành

Chi đoàn: 16TDH

Gửi 16TDH-DUT,

          Chào các bạn, lâu rồi chúng ta không gặp nhau nhỉ, các bạn có khỏe không? Một đợt dịch lướt qua Đà Nẵng khiến cho anh em mình phải xa nhau hơn 2 tháng rồi. Giờ chúng ta đã quay lại trường và giật mình khi thời gian học tập bên nhau chỉ còn chừng 3 tháng ngắn ngủi nữa thôi. Mọi người vẫn thường nói thời gian trôi qua thật nhanh nhưng thực ra thì nó…trôi qua nhanh thật. Mới ngày nào vào nhập học, ấy vậy mà giờ đã là sinh viên năm Năm.

          Mình còn nhớ những ngày đầu chúng ta nhận lớp. Những người bạn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, khác nhau về văn hóa, giọng nói,…mọi thứ đều rất lạ lẫm. Trúng tuyển ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự đông hóa- ngành top 2 điểm của trường tất nhiên ai cũng có ít nhiều tự hào nhưng dường như mọi người đều cảm thấy lo lắng. Một sự lo lắng đối với mình cũng như một số bạn khác, khi từ nông thôn đến một thành phố lớn nhập học, nỗi nhớ nhà và cả bỡ ngỡ khi bước chân trên một chặng đường mới, thực sự là một thử thách không hề dễ dàng để vượt qua. Mà lớp kiểu gì mà hơn 60 thằng con trai vậy

          Nhập học xong và tham gia các buổi sinh hoạt công dân đầu năm dành cho tân sinh viên, các chàng kỹ sư tương lai lên đường nhập ngũ. Nói là nhập ngũ cho oai vậy thôi chứ chúng ta tham gia khóa học giáo dục quốc phòng bắt buộc của trường. Khi đến trường quân sự, lớp chúng mình ở chung một phòng rất lớn và cũng rất nhiều giường. Những ngày đầu mình cảm thấy rất buồn và nhớ nhà vì ở đây không được dùng điện thoại cả ngày để gọi điện về nhà và lại còn phải ở chung với những người bạn mới, nơi ở mới, xung quanh ai cũng xa lạ. Thực sự hồi đấy mình đang rất nhớ lớp cấp 3 của mình, mình nhớ thầy cô và các bạn, đa số lớp 12A của mình đều học ở Hà Nội, điều đó vô hình làm cho mình cảm thấy rất cô đơn và buồn bã. Nhưng thật nhanh, lớp chúng mình hòa nhập rất nhanh, cùng nhau hoàn thành tốt khóa học quốc phòng. Một tháng học quốc phòng với bao trải nghiệm, từ ngủ gật trên giảng đường quân sự đến lăn lê bò trườn ngoài thao trường mệt nhừ cả người. Để sinh hoạt được với thời gian biểu của một người lính thực sự rất khó khăn. Rồi cả những buổi chiều lao động tăng gia sản xuất trồng rau, cuốc cỏ, quét sân, có những hôm đói bụng đến nỗi nhổ cả củ khoai lang ăn sống luôn. Cơm hằng ngày ở quân sự thì cũng chẳng có gì sang xịn nhưng mà ngon đến ngỡ ngàng, ai cũng ăn được nhiều, thậm chí là đi…xin ăn; ăn xong đến cả nước rửa bát cũng đi xin luôn, ngày may mắn thì xin được, không thì rửa qua nước lạnh cho xong, bẩn thế mà cũng sống được. À cả những lần đến bể tăm chung nữa, chẳng vòi hoa sen, một xô nước xối ầm ầm là tắm xong thơm tho rồi. Năm đó, đêm trung thu cả lớp rước đèn khắp trường quân sự, chẳng có đại đội nào có trung đội xịn như chúng mình. Kì quân sự thực sự khó khăn nhưng cũng nhiều niềm vui và ý nghĩa.

          Hoàn thành xong khóa học quân sự, cả lớp “xuống núi”. Những ngày đầu trên giảng đường thực sự rất kinh khủng vả choáng ngợp. Từ chương trình đại học bách khoa nặng nề cho đến khung giờ học từ 12h30 buổi trưa thực sự là một khó khăn đặt lên đôi vai bé nhỏ của các kỹ sư tương lai. Nhưng với tài năng của các kỹ sư trẻ, chúng ta đã nhanh chóng vượt qua và làm quen với môi trường học tập khắc nghiệt mới. Trong suốt 4 năm qua, mình cảm thấy tất cả các bạn đều là một tấm gương cho mình học tập, dù là những điều nhỏ nhất. Có những bạn mình thực sự ghen tị với khả năng thông minh mà các bạn có, hehe, không hiểu các bạn do rèn luyện hay bẩm sinh nữa. Cũng có những bạn làm mình ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ, các bạn say mê việc học khiến những sinh viên lười như mình cảm thấy xấu hổ hihi. Và nhiều bạn có những điểm mạnh mà mình rất thích nữa. Suy cho cùng, sau 4 năm, hầu như ai cũng có môn điểm A, môn điểm F. Nhưng mình cảm thấy vì có các bạn giúp đỡ mà mình cũng như những anh em khác trong lớp mới “luồn lách” được qua khe cửa hẹp giữa điểm F và điểm D, chân thành cảm ơn các bạn. Có một số bạn chơi thân với mình, cả những bạn cùng nhóm một số môn với mình, mình không tưởng tượng nổi nếu không có sự giúp đỡ tận tình, hào phóng và vô tư của các bạn thì bằng cách nào mình đi được đến hôm nay được, hehe.

          Ngoài những giờ học căng thẳng là những trận đá bóng nảy lửa song cũng nhiều niềm vui. Lúc thì anh em mình chia đôi đá giao lưu, những tiếng cười rộn vang sau những pha xử lí đậm chất nghệ sĩ nhưng là trong bộ môn hài kịch, kaka. Đôi khi cũng có xích mích, va chạm trên sân, bóng đá mà, dễ hiểu thôi. Nhưng sau cùng tình cảm bạn bè vẫn gắn bó. Những lần lớp tham gia giải của Khoa, lớp luôn dừng bước ở những trận mà tất cả chúng ta nghĩ mình sẽ thắng dễ, để rồi sự tiếc nuối bám lấy sau khi đội mình nhìn đối thủ vào vòng trong, tuy buồn nhưng đó vẫn là một kỷ niệm đẹp. À suýt quên, sinh viên mà, an hem chúng mình là những thanh niên trẻ khỏe nên cũng khá là thích…bia. Thỉnh thoảng an hem mình cũng có giao lưu vui vẻ ở quán cũ thân quen. Lúc nào uống vào cũng bảo sẽ liên kết với sư phạm nhưng gần ra trường rồi có thấy ai đâu…

          Để bước qua được những ngày khó khăn của thời sinh viên, không thể không nhắc đến công lao dạy dỗ của đội ngũ giảng viên trường bách khoa. Công bằng mà nói thì do lớp học quá đông nên giảng viên không thể nào quan tâm từng chút tới sinh viên như giáo viên trung học, cũng nhờ vậy mà chúng ta tự lập hơn, trưởng thành hơn. Tuy nhiên mỗi giảng viên lại mang đến những màu sắc riêng, những kiến thức quan trọng khác nhau. Có những tiết học mình cảm thấy chán ngán vô cùng, có lẽ vì nó khó. Có những thời điểm các thầy giống như những người anh, chỉ bảo cho chúng mình những kiến thức không có trong giáo trình, những điều chỉ bảo đó thực sự rất quý giá. Các thầy cô trường bách khoa nói chung và khoa điện nói riêng đều rất tâm huyết, có trách nhiệm. Thực sự rất cảm ơn các thầy cô!

          Chặng đường 4 năm rưỡi đại học sắp kết thúc rồi, xin chúc các bạn sức khỏe, hoàn thành tốt chặng đường còn lại, sớm thành công. Cảm ơn đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức trường đại học bách khoa rất nhiều, chúc các thầy cô thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *