CHUYẾN TÀU MANG TÊN CỦA CHÍNH BẠN

Thí sinh: Nguyễn Việt Hà

Lớp: 18TDHCLC1

SBD: 23

CHUYẾN TÀU MANG TÊN CHÍNH BẠN

     Tôi vẫn thường ví von thanh xuân giống như một đoàn tàu một chiều luôn tiến về phía trước mà không bao giờ có thể quay đầu tàu lại. Điều đặc biệt là trên đoàn tàu chỉ có một hành khách duy nhất đó là chính bạn, ta không thể biết trước được điểm đến tiếp theo của đoàn tàu là gì mà chỉ có thể ngồi trên tàu khám phá những điều mới mẻ hay chiêm nghiệm những nơi mà mình đi qua. Và những trạm ga dừng chân cũng giống như những cột mốc đáng nhớ mà bạn đã trải qua vậy. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cho bạn những ‘trạm ga dừng chân’ – nơi mà tôi đã đi qua cho bạn. À, bên cạnh còn một chỗ trống, chúng ta cùng đi nhé.

Trạm ga số 1: Thành phố của những cây cầu


     Chỉ mới đây mà đã được 3 năm kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Nẵng. Lúc nhỏ, đối với một đứa ‘nhà quê’ cũng như hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả như tôi thì việc được đi du lịch đến các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Mình,… vẫn là một điều xa vời. Trong mắt tôi khi đấy những nơi này chắc là hoành tráng, đường xá hiện đại lắm vì vậy tôi vẫn luôn ao ước được một lần đặt chân đến những nơi này. Và ngày đầu tiên đến Đà Nẵng cũng là ngày mà tôi nhớ nhất trong cuộc đời mình.

     Cũng như các bạn tân sinh viên khác, sau khi biết kết quả trúng tuyển thì 2 ba con tôi quyết định đến đây sớm hơn vài ngày so với ngày làm thủ tục nhập học để tìm kiếm một phòng trọ. Một ngày trước khi lên xe thì cả nhà tôi đã phải chuẩn bị đồ đạc, vật dụng cá nhân, cậu mợ cũng đến nhà để mà trò chuyện với gia đình tôi để tôi cảm thấy thoải mái bớt phần nào khi lần đầu tiên phải xa nhà. Tôi vẫn nhớ mợ Sáu bỏ vào balo của tôi một loại củ nào đó mà tôi không nhớ tên để tránh những xui rủi có thể xảy ra. Quả thật chuyến đi đó cũng khá là thuận lợi đối với 2 ba con tôi. Đúng như lịch trình, xe chúng tôi khởi hành lúc 5h sáng, đến nơi thì cũng đã đến giờ trưa. Lúc này đập vào mắt tôi là một thành phố khá sầm uất, hiện đại với những con đường mọc đầy những cửa hàng, những tòa nhà cao tầng, tôi có vẻ hơi bị choáng ngợp. Tôi và ba kiếm một nơi để ăn trưa rồi tiếp tục rong ruổi kiếm phòng trọ. May mắn thay chúng tôi cũng đã kiếm được phòng trọ trong một buổi chiều, vậy là tối hôm đó 2 cha con đã lên xe để về lại quê, nhằm tiết kiệm phần nào chi phí thay vì phải tốn thêm khoản tiền để lưu trú ở đây. Mọi thứ vượt xa so với dự kiến của ba tôi, trước đó gia đình tôi cũng đã nghĩ đến phương án nán lại Đà Nẵng ít ngày đến khi nào kiếm được nơi ở cho tôi thì thôi. 2 cha con lên xe khách về mà tâm trạng của ai cũng phấn khởi.

Trạm ga số 2: Tự lực cánh sinh


     Ngày phải đến trường để làm thủ tục nhập học cũng đã đến. Lần này tôi quyết định đến Đà Nẵng cùng với “một người bạn” là chiếc xe đạp gắn bó với tôi những năm cấp 3. Mặc dù Ba ngỏ ý sẽ đi cùng để yên tâm nhưng tôi vẫn kiên định với ý kiến của mình. Một phần là để dần quen với những cuộc hành trình mà không có ai bên cạnh, phần khác là để tập làm quen với việc tự giải quyết vấn đề của mình. Mỗi sáng sớm phải thức dậy mà không còn được nghe tiếng gọi dậy đi học “thân thương” từ Ba nữa hay lúc đói bụng cũng phải tự mình đi kiếm cơm để mua chứ không còn những bữa cơm nấu sẵn của Mẹ nữa,… Tôi đã phải mất một khoảng thời gian trong học kỳ một của năm nhất để làm quen với những điều này. Có lẽ giai đoạn chuyển tiếp từ một đứa học sinh cấp 3 ở gần với người thân, gia đình đến việc trở thành một sinh viên, sống xa nhà, tự mình giải quyết tất cả mọi thứ đối với ai cũng là khó khăn dù không nhiều thì ít.

     Tuy nhiên để trưởng thành hơn thì ta phải tập làm quen với những điều này. Ngược lại tôi còn cảm thấy mình may mắn. Thứ nhất là tôi được học trong một ngôi trường với những thầy/cô thân thiện, nhiệt tình truyền đạt lại những kiến thức với sinh viên. Được làm quen với những người bạn mới trong lớp đại học. Dù là mỗi người xuất thân từ những nơi khác nhau nhưng đều rất là thân thiện, hòa đồng, nhờ vậy mà chúng tôi có thể thoải mái chia sẻ,trò chuyện với nhau những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Nhờ đó có thể vơi bớt phần nào sự cô đơn khi phải sống xa nhà, xa gia đình. Đến hiện tại, tôi vẫn nghĩ quyết định học xa nhà khi xưa của mình là một quyết định đúng đắn.

Trạm ga số 3: Cảm ơn


     Không gọi đây là “Trạm ga cuối”, vì tôi biết hành trình chuyến đi thanh xuân của tôi nói chung cũng như hành trình phía trước giữa tôi và ngôi nhà DUT còn rất dài. Bằng mọi sự nỗ lực của bản thân, nhất định phải khiến khoảng thời gian 2 năm còn lại gắn bó với nơi đây thật rực rỡ và hạnh phúc. Thật lòng, bản thân cảm thấy rất biết ơn và hạnh phúc trong suốt quãng thời gian vừa qua. Cảm ơn gia đình mình đã tạo cơ hội để con bước đến DUT. Cảm ơn những người bạn đã cùng sát cánh suốt khoảng thời gian vừa qua. Cảm ơn thầy cô đã luôn nhiệt thành chỉ bảo. Cảm ơn cậu – Trường Đại học Bách Khoa và cảm ơn tôi, vì đã chưa từng vứt bỏ bản thân mà luôn tiến về phía trước.

     Chuyến tàu hôm nay chắc đã đến lúc phải nói lời tạm biệt. Hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội gặp lại để cùng kể nhau nghe về hành trình dài mang tên “Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng”. Bằng tất cả sự trân trọng, cảm ơn vì đã đồng hành cùng tôi đến tận bây giờ. Hy vọng bạn sẽ có cuộc sống tràn đầy an yên và hạnh phúc.
     Thân ái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *