MƯA

 

Thí sinh: Nguyễn Đức Hoàng

Lớp: 17D1

SBD: 15

Mưa

    Bước đi trong một chiều mưa rơi của tháng Mười, lội mình trong làn nước ngập như muốn níu giữ bàn chân trước khi chảy về nơi mương dẫn, con người ta thật vội vàng lướt qua nhau như chỉ muốn mau mau đi đến nơi để thoát khỏi cái cảnh ẩm ướt. Cái bầu trời u ám luôn sẵn sàng tuôn trào những hạt mưa nặng nề, nhấn chìm tất cả trong mênh mông là nước. Đứng trên bao lơn mà nhìn ra, đằng xa kia là mái trường Bách khoa Đà Nẵng, dù bên ngoài có xám xịt thì lòng tôi vẫn lấp ló cái nắng vàng khi chợt nhận ra mình đã là một phần của nơi này suốt hơn ba năm qua.

    Hồi ở cái tuổi mười tám, học và học là tất cả những gì tôi biết, cũng chẳng có nổi một ước mơ con con để phấn đấu, vô định và nhạt mờ về ngày mai. Lúc đó tôi luôn suy nghĩ rằng cánh cổng đại học hay nơi nào đó sẽ là điểm đến tiếp theo khi không còn được nghe tiếng hát quốc ca vang lên mỗi thứ hai đầu tuần ở mái trường cấp ba cũ. Hồi còn mặc trên mình đồng phục của lứa tuổi học sinh, tôi học rất khá môn Vật Lí. Bởi thế nên không có gì ngạc nhiên khi điểm Lí trong kì thi đại học của tôi là cao nhất trong những môn xét tuyển. Lạ lùng là, Cơ-Điện-Nhiệt thì Điện là phần tôi học kém nhất. Trong kí ức tôi, “giản đồ vector bài toán điện xoay chiều”, “truyền tải điện năng”… là những thứ làm tôi run sợ trong bài thi Vật Lý. Vậy mà cách đây ba năm, vào cái ngày xét tuyển Đại học, tôi đã tự điền tên mình để trở thành một sinh viên khoa Điện chỉ từ một lời khuyến khích của anh trai mình.
Người ta thường mơ mộng về một quãng đời sinh viên đầy sôi động và nồng nhiệt. Đó là những tháng ngày tuổi trẻ đi tình nguyện muôn nơi, là những mối tình trưởng thành hơn tuổi mười bảy mộng mơ nhưng vẫn chưa quá lý trí như độ trưởng
thành, là những anh chị em, bạn bầy trong một câu lạc bộ đầy sự hào hứng trong các hoạt động cũng như mỗi buổi sinh hoạt… Với tôi, đó lại là những chuỗi ngày bình yên, tách tôi ra khỏi cái hỗn độn của lo toan cuộc sống. Vùi mình trong đống bài tập, trong cái dở dang của những trang đồ án, đau đầu là thế nhưng chắc chắn vẫn nhẹ nhàng hơn
việc phải vắt óc suy nghĩ làm gì để kiếm ăn, làm gì để không trở thành “những đứa trẻ lớn xác”. Và đôi khi, thay vì tính nốt chương đồ án, làm cho nốt bài tập thì quyết định của tôi là ngủ đi, cuối kỳ rồi tính, để rồi lại cuống cuồng khi thấy hạn nộp bài tập sắp cận kề mà danh sách việc cần làm lại dài đằng đẵng.

    Nhiều lúc tôi cũng hay tự hỏi rằng học ngành này để làm gì? Điện – Điện tử, nghe có vẻ rất hiện đại những tôi vẫn chưa hình dung nổi nó sẽ dẫn tôi đi đâu khi trên tay là tấm bằng tốt nghiệp đại học. May mắn thay, nhờ các thầy cô trong khoa, tôi hiểu được phần nào những gì mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp, phải học những gì để không bỡ ngỡ trước những cột điện chi chít dây, những nhà máy điện to lớn hay những thiết bị điện đơn thuần như cái quạt hay công tắc… Có những thầy cô rất dễ tính nhưng cũng có những thầy cô rất nghiêm khắc, điểm chung là họ rất thương sinh viên. Tuy nhiên học viên lại nghĩ rằng điều đó thật viển vông, rằng điểm số của họ không hề thể hiện một chút gì việc giảng viên quan tâm giúp đỡ mình thay vì suy ngẫm về cái sai của bản thân, rằng mình làm bài vậy đã chính xác chưa? Cách học tập có ổn không? Có nhầm lẫn gì trong bài thi không?… Nhưng dù thế nào, các thầy cô khoa tôi vẫn luôn hết lòng như vậy, họ đã giúp tôi hiểu được nhiều điều, giúp tôi ngộ ra rằng việc “cao thủ” trong một trò chơi cũng chỉ là manh chiếu mới khi vào đời, non nớt và chưa từng trải. Trên hết, học phải đi đôi với làm, thật khó mà hình dung nổi những linh kiện, thiết bị điện, những đường dây, máy điện khi chúng chỉ được minh hoạ bằng những con chữ. Vì thế, ngoài những giờ học lý thuyết khô khan, thầy cô còn kết hợp hướng dẫn thực hành ở buổi thí nghiệm để cho mỗi sinh viên như tôi có cái nhìn trực quan về những gì được
học trong thực tế.

    Không còn bảng đen, bàn ghế cũ kỹ mà đã có những tấm bảng chống loá, bàn ghế mới tinh, không còn giọt mồ hôi rơi trên trang sách, thấm đẫm những vạt áo vì giờ đây đã có điều hoà, máy lạnh tân tiến. Không còn những máy móc cũ kĩ, lỗi thời mà nay đã là những máy móc hiện đại hơn trong các phòng thí nghiệm. Khoa Điện đã và đang từng bước chuyển mình để bắt kịp xu thế, đào tạo ra những kỹ sư điện có chuyên môn lẫn kỹ năng tốt. Từ “Thiên lôi sông Nin” cho đến những viên hổ phách có thể hút được da động vật khi chà xát với lông mèo, từ “electrius” cho đến “electricity”, từ pin Volta cho đến cách mạng công nghiệp lần thứ hai, ngành điện ngày nay chính là nền tảng cho hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Suốt dòng chảy từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay, khoa Điện đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của ngành Điện.

    Giữa cái tiếng còi xe inh ỏi, cái tấp nập của phố thị, nhìn ánh đèn thắp sáng đêm đông hay làn gió mát lạnh từ cây quạt ngày hè, những dây chuyền sản xuất hiện đại hay những vật dụng hằng ngày thì chắc không cần hỏi rằng điện có quan trọng không? Hay vào Bách khoa học Điện để làm gì? Vì người ta chẳng ai hỏi tại sao mặt trời lại rực rỡ cả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *